Bảo hộ lao động – An toàn lao động để bình yên mỗi ngày
08/12/2020 15:53
Bảo hộ lao động – Vụ sập nhà xưởng đang xây dựng làm 6 người chết và nhiều người bị thương ở tỉnh Vĩnh Long chiều 15-3 một lần nữa cho thấy công tác an toàn lao động trong thi công vẫn chưa thật sự được quan tâm đúng mức.
Theo thống kê, tính từ năm 2016 đến 2018, số người chết do tai nạn lao động hơn 2.200 người. Đây có thể là con số chưa đầy đủ.
Nhiều vụ tai nạn lao động chết người là các “tảng băng chìm” doanh nghiệp cố tình che giấu. Thực tế từ các đơn vị, con số thống kê về số vụ tai nạn lao động có giảm mỗi năm, nhưng số vụ tai nạn lao động có số người thương vong nhiều lại tăng và ngày càng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.
Làm gì để an toàn hơn?
Nhiều vụ việc đã được điều tra, làm rõ nguyên nhân. Có những vụ nghiêm trọng chết người đã bị xử phạt nghiêm, thậm chí khởi tố người đứng đầu doanh nghiệp và những người liên quan. Nhưng chuyện này vẫn còn hiếm.
Còn lại, vẫn chỉ bị xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền, yêu cầu khắc phục hậu quả bằng việc bồi thường cho thân nhân người bị nạn…
Do đó doanh nghiệp lơ là, thậm chí xem thường công tác bảo hộ lao động, đảm bảo an toàn trong thi công, sản xuất.
Bước vào các nhà xưởng, công trường…, đập vào mắt nhiều người vẫn là các khẩu hiệu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải đảm bảo an toàn”, hay “An toàn là trên hết”, “An toàn là hạnh phúc của bản thân mỗi người mỗi nhà”…
Có khi khẩu hiệu này được doanh nghiệp làm logo và in hẳn trên các bộ quần áo bảo hộ, nón bảo hộ.
Thế nhưng, chúng ta đã làm gì để an toàn hơn? Câu hỏi này, tiếc rằng, vẫn chưa rõ câu trả lời từ thực tế.
Hằng năm, các doanh nghiệp vẫn lập kế hoạch bảo hộ lao động, phương án đảm bảo an toàn lao động trong thi công, định kỳ doanh nghiệp vẫn tiến hành thực hiện công tác đào tạo, huấn luyện an toàn lao động cho công nhân, người lao động theo quy định.
Nhưng công tác huấn luyện ít nhiều cũng mang nặng tính hình thức, nội dung chương trình bị cắt xén, nặng về lý thuyết.
Và, đáng lo hơn là thiếu giám sát chặt chẽ các khâu an toàn, người lao động (thậm chí các kỹ sư) còn thiếu ý thức về an toàn, chủ quan với hiểm họa.
Đây là yếu tố dẫn đến thương vong cho nhiều người từ những lý do hoàn toàn có thể tránh được.
Xuê xoa từ chuyện nhỏ…
Tôi được tiếp xúc với những người lao động làm việc trong doanh nghiệp Nhật Bản. Ở đó, ai cũng am hiểu kiến thức về an toàn, chấp hành nghiêm ngặt nguyên tắc đảm bảo an toàn, mọi lúc mọi nơi.
Ở đó, an toàn trong lao động sản xuất không chỉ là một câu khẩu hiệu hô hào suông mà là một tiêu chí cho mọi hành vi trong hoạt động sản xuất.
Với họ, an toàn không chỉ vì bản thân mỗi một người lao động và gia đình họ mà còn là một giá trị, uy tín để làm nên thương hiệu của doanh nghiệp Nhật, cho xã hội, cho quốc gia.
Ở đó, để đảm bảo an toàn, ngoài ý thức, hành vi con người, doanh nghiệp chú trọng đầu tư trang thiết bị bảo hộ lao động, máy móc, phương pháp kỹ thuật, công nghệ tiên tiến… nhằm làm giảm các nguy cơ rủi ro cho người lao động.
Ở đó, chủ doanh nghiệp có những đãi ngộ xứng đáng cho những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp cũng như đưa ra các giải pháp, phương án giảm thiểu nguy cơ gây mất an toàn lao động. Đồng thời, họ cũng sẵn sàng mạnh tay kỷ luật, thậm chí sa thải những người chủ quan, vi phạm an toàn lao động hoặc để xảy ra tai nạn cho người khác.
Công tác đảm bảo an toàn lao động của nhiều doanh nghiệp hiện nay thường đi ngược lại với các quy trình.
Thay vì đầu tư chi phí phòng tai nạn, họ dùng chi phí để tìm cách thoái thác trách nhiệm, bồi thường để đổ trách nhiệm về phía người lao động, do yếu tố khách quan.
Việc doanh nghiệp bồi thường cho thân nhân người lao động những khoản tiền sau tai nạn nghiêm trọng trong nhiều trường hợp cũng được coi như đã làm xong trách nhiệm, đã giải quyết hậu quả…
Đây là việc chúng ta xuê xoa với nhau, từ những sai sót nhỏ thành nếp nghĩ, cách làm cẩu thả, xem thường kỷ luật an toàn trong lao động, xem nhẹ sức khỏe và cả tính mạng của mình và đồng nghiệp.
Để bình yên mỗi ngày
Để ngăn ngừa và giảm thiểu hậu quả của những vụ tai nạng lao động thương tâm, đau lòng, cần những quy định pháp luật chặt chẽ hơn, luật an toàn lao động, bảo hộ lao động, kiên quyết khởi tố các vụ tai nạn lao động gây ra hậu quả nghiêm trọng, làm chết nhiều người do chủ quan trong lao động sản xuất.
Mong các doanh nghiệp thay vì gắn bảng hiệu an toàn như lâu nay nên bắt tay vào những việc cụ thể để mỗi ngày công trường, nhà máy an toàn hơn.
Giảm tai nạn thương tâm, thêm hạnh phúc cho mỗi người lao động, mỗi ngày đi làm là một ngày bình yên.
Trên đây là bài viết Bảo hộ lao động – An toàn lao động để bình yên mỗi ngày
Nguồn: Tuổi Trẻ .VN
Đơn vị cung cấp Bảo Hộ Lao Động Uy Tín tại TPHCM – TP Thủ Đức